Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Bảy

Tìm hiểu về Windows 32 bit và 64 bit

Điện toán 64-bit đã ra đời cách đây khá lâu nhưng chỉ trong vòng vài năm gần đây mới trở nên phổ biến nhờ sự ra đời của Windows 7 64-bit. Điều gì khiến cho hệ điều hành này hấp dẫn như vậy?
Trước khi xem Windows 64-bit mang lại những lợi ích gì chúng ta cùng tìm hiểu sơ qua về kiến trúc 64-bit.
 
Bên trong CPU có một bộ phận gọi là các thanh ghi (register), các thanh này có nhiệm vụ chứa các dữ liệu mà CPU cần để xử lý (kết quả của các phép toán logic, địa chỉ 1 ô nhớ, …). CPU 32-bit nghĩa là độ rộng của các thanh ghi bên trong CPU là 32-bit. Với thanh ghi có độ rộng 32-bit, CPU có thể quản lý được 2 mũ 32 địa chỉ tương đương với khả năng quản lý hơn 3GB RAM.Còn những CPU 64-bit con số này là 2 mũ 64 tương đương với hơn 17 tỉ GB RAM.
 
Đến đây, chắc bạn đã phần nào hiểu được sự khác nhau giữa kiến trúc 32-bit và 64-bit, bây giờ chúng ta cùng xem xem lợi ích cũng như hạn chế mà một hệ thống 64-bit mang lại.
 
Ưu điểm
 
Nhận và sử dụng nhiều hơn 4GB RAM
 
 
Như đã phân tích ở trên, hệ điều hành 32-bit nói chung và Windows nói riêng chỉ có thể hỗ trợ được tối đa 4GB RAM (trên thực tế bạn chỉ có thể sử dụng hơn 3GB một chút), còn với hệ điều hành 64-bit, con số này lớn hơn rất nhiều. Hiện tại thì phiên bản Windows 7 Home đang giới hạn ở 16GB RAM, còn phiên bản Profesional và Ultimate thì nhiều hơn, hỗ trợ tới 192GB.
 
Năng suất làm việc cao hơn
 
Không chỉ cho phép hệ điều hành sử dụng nhiều bộ nhớ hơn, mà bộ nhớ của máy còn được sử dụng hiệu quả hơn nhờ các thanh ghi có độ rộng tới 64-bit và tình trạng ngốn bộ nhớ cũng ít khi xảy ra nhờ cơ chế phân phối bộ nhớ của Windows 64-bit. Việc sử dụng lượng bộ nhớ RAM trên hệ thống 64-bit sẽ hiệu quả hơn so với 32-bit rất nhiều.
 
Tăng khả năng phân phối bộ nhớ cho từng ứng dụng
 
 
Windows 32-bit bị giới hạn lượng RAM cấp phát cho 1 ứng dụng (tối đa là 2GB). Những ứng dụng chính sửa ảnh, video hay ứng dụng tạo máy ảo đều ngốn rất nhiều RAM nên việc thiếu bộ nhớ khi sử dụng những chương trình này là thường xuyên gặp phải. Windows 64-bit không gặp phải hạn chế này vì lượng RAM tối đa trên lý thuyết có thể cấp phát cho 1 ứng dụng đơn là 8 TB (8000 GB), quá thừa thãi ở thời điểm hiện tại. Các ứng dụng được tối ưu hóa cho 64-bit như Photoshop hoạt động rất nhanh và tận dụng được hết khả năng của CPU.
 
Lợi ích mà hệ điều hành 64-bit mang lại quả thật rất lớn nhưng bên cạnh đó cũng có một số hạn chế.
 
Nhược điểm
 
Nhiều thiết bị phần cứng và phần mềm cũ không tương thích với hệ điều hành 64-bit
 
Đây là hạn chế rõ nhất của các hệ điều hành 64-bit, với những thiết bị được sản xuất trong vòng vài năm trở lại đây thì vấn đề này không lớn lắm vì bạn có thể cập nhật driver cho hệ điều hành 64-bit nhưng nếu nhà sản xuất không hỗ trợ cho thiết bị đó nữa thì bạn chẳng còn cách nào khác ngoài việc đi mua mới.
 
Đối với phần mềm cũng tương tự, 1 số chương trình được viết cho hệ điều hành 32-bit  không thể chạy trên nền 64-bit nếu không có các bản patch từ nhà phát triển. Bạn có thể giả lập hệ điều hành 32-bit để chạy chúng nhưng việc này xem ra không mấy hiệu quả. Đối với các Game cũ thì không chạy được trên nền 64-bit cũng là đương nhiên và hiếm có nhà sản xuất nào tung ra bản patch 64-bit cho 1 game đã ra đời cả chục năm(như Halo:Combat Evolved chẳng hạn).
 
Chưa kể đến việc 1 số chương trình có phiên bản dành cho 64-bit tuy nhiên những phần mở rộng cho chương trình đó thì lại không, ví dụ điển hình trình duyệt Firefox có rất nhiều plugin phong phú nhưng khi chuyển lên hệ điều hành 64-bit thì những plugin này lại không được hỗ trợ hoặc chưa kịp phát triển.
 
Tuy nhiên những nhược điểm trên có lẽ chỉ thể hiện rõ trên Windows XP 64 bit và Vista 64 bit còn phiên bản 64 bit của Windows 7 đã khắc phục phần lớn vấn đề tương thích nên bạn có thể hoàn toàn yên tâm khi cài đặt.
 
Những CPU hỗ trợ tập lệnh 64-bit
 
Hầu hết các CPU mới hiện nay có thể cài đặt Windows 7 đều hỗ trợ tập lệnh 64-bit nhưng để chắc chắn thì bạn có thể sử dụng phần mềm miễn phí CPU-Z để kiểm tra:
 
 
Ở mục Instructions nếu có tập lệnh EM64T (với CPU AMD là x86-64) thì bạn có thể yên tâm là CPU có hỗ trợ tập lênh 64 bit.
 
Tham khảo: How To Geek

Giải đáp "băn khoăn" về CPU Core i5 và i7

Core i5 và Core i7 vẫn luôn gây phân vân cho khách hàng khi muốn chọn mua cho mình một chip xử lí ưng ý.
Trước hết, chip xử lí i5 hay i7 đều nhanh và mạnh mẽ giống như cái cách mà các sản phẩm này xuất hiện. Tuy nhiên, bởi sự rắc rối trong cách đặt tên cho hai dòng chip xử lí này mà đôi khi người dùng không hiểu được ý nghĩa thực sự của chúng. Cũng như sự khác biệt về hai rãnh cắm (socket) tương ứng với mỗi chip càng gây ra sự hoang mang cho khách hàng. Vậy loại chip xử lí nào là phù hợp nhất với bạn? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sau đây.
 

Xét về mặt lý thuyết, Core i5 là dòng chip xử lí tầm trung, còn Core i7 là dòng chip xử lí cao cấp. Nhưng trên thực tế lại có những điểm phức tạp hơn. Core i5 có cả hai model Dual (lõi kép) và Quad (4 lõi) với socket LGA 1156. Trong khi đó, Core i7 chỉ có loại 4 lõi hoặc 6 lõi và có cả socket LGA1 336 bên cạnh LGA 1156.
 
Nếu bạn đang có ý định nâng cấp dàn máy tính của mình, trước hết bạn cần phải kiểm tra xem socket của hệ thống là loại nào, nếu là LGA 1336 thì bạn chỉ có thể chọn Core i7. Ngược lại, nếu bạn “tậu” hẳn một PC mới thì điều này chỉ phụ thuộc vào chiếc ví của bạn, nhưng hãy chú ý, điều bạn thực sự nhận được khi chọn mua hai loại chip này lại nằm ở 3 chữ số phía sau.
 
Core i5 có sẵn hai serie là 600 và 700. Trong đó, model 600 là chip xử lí dual - core dựa trên nền tảng Clarkdale và HyperThreading. Cách đặt tên các công nghệ của Intel khá rắc rối, nhưng nói chung, ý nghĩa thực sự là nó là giúp CPU có 4 luồng xử lý cùng lúc.
 
Hai chữ số cuối cùng của dòng chip xử lí này sẽ cho bạn biết sức mạnh của từng CPU ứng với xung nhịp của nó, ví dụ như với core i5 650 là một chip xử lí lõi kép với tốc độ 3.2 GHz và giá bán khoảng 4,5 triệu đồng, trong khi đó chip Core i5 680 sẽ có tốc độ 3.8 GHz với cái giá là 7,4 triệu đồng.
 

Serie 700 của Core i5 tương ứng sẽ là chip xử lí lõi tứ, xây dựng trên nền tảng Lynnfield nhưng không có HyperThreading. Bởi vậy Core i5 serie 700 cũng có thể đảm nhiệm 4 công việc cùng lúc, nhưng chúng lại cho hiệu suất cao hơn bởi mỗi công việc này sẽ có các lõi đảm nhiệm riêng (thay vì 2 luông xử lý ảo được tạo thành nhờ HyperThreading). Hiện tại, mới chỉ có 2 model Core i5 750 với tốc độ 2.66 Ghz và Core i5 760 2.8GHz, cả hai chip xử lí này đều có giá khoảng 4,6 triệu đồng.
 
Điều kỳ lạ là, tại sao chip xử lí serie 700 lại rẻ hơn serie 600? Nếu tìm hiểu kỹ bạn sẽ thấy vấn đề không đơn giản. Serie 600 Core i5 phát triển dựa trên nền tảng Clarkdale với thêm một tính năng phụ, đó là nó được tích hợp sẵn một lõi đồ họa. Điều này cũng có nghĩa rằng bạn không nhất thiết phải mua thêm một card video chuyên dụng mà chỉ cần cung cấp cho nó bo mạch chủ có hỗ trợ tính năng này.
 
Như vậy, nếu hiệu suất làm việc là mối quan tâm hàng đầu của bạn, hãy chọn Core i5 serie 700 bởi sản phẩm này có khả năng xử lí tốt hơn và giá cả cũng dễ chịu hơn.
 

Trở lại với Core i7, dòng chip xử lí này có đôi chút phức tạp hơn. Series 800 của model này cơ bản là giống với series 700 của Core i5. Điểm khác là nó có thêm hỗ trợ HyperThreading và xung nhịp cao hơn. Nhưng nó cũng phát triển dựa trên nền tảng Lynnfield và sử dụng socket LGA 1156. Có thể lấy Core i7 870 để minh họa cho khả năng của chip xử lí này. Với giá bán khoảng 7,6 triệu đồng, loại chip nói trên có tốc độ 2.93GHz và có khả năng xử lí 8 luồng – rất ấn tượng.
 
Tuy nhiên, Core i7 serie 900 mới thực sự là điểm nhấn của hãng sản xuất CPU lớn nhất thế giới. Đây cũng là dòng sản phẩm mà Intel chế tạo với mục đích quảng bá công nghệ của mình. Trước hết, chip xử lí này đòi hỏi socket LGA1336 (thường chỉ được hỗ trợ trên các bo mạch chủ đắt tiền). Thêm vào đó, để đạt hiệu quả xử lí tối ưu, người dùng cũng phải cung cấp cho nó 3 thanh RAM DDR3 cao cấp.
 

Core i7 có thêm model lõi 6 bên cạnh lõi tứ giống như core i5. Nhưng không rõ ràng như “hậu bối”, các chip Core i7 930, 940, 950 và 960 là lõi tứ, còn Core i7 970 và 980X là lõi 6.
 
Về khía cạnh  giá cả, chip xử lí lõi tứ 930 thực sự xứng đáng với giá tiền 6,9 triệu đồng, nhưng người ta vẫn thường tranh cãi về mức giá khoảng 23 triệu của chip lõi 6. Liệu chúng có xứng tầm hay không, mặc dù chúng thực sự rất, rất nhanh.
 
Chữ “K”
 
Cuối cùng, nói về ký tự còn lại của các dòng chip nói trên  là “K” hay “X”. Vấn đề này thường chỉ quan trọng với các khách hàng đam mê “ép xung”. Với ký tự “K”, ví dụ như chip xử lí Core i7 875K mới ra mắt sẽ cho phép các “chuyên gia” này điều chỉnh tần số dễ dàng hơn rất nhiều nhờ hệ số nhân đã được mở khóa.
 
Tóm lại, nếu việc lựa chọn Core i5 hay Core i7 vẫn còn khiến bạn phân vân, hãy chọn loại thiết bị phù hợp với túi tiền của bạn. Nhưng hãy chú ý tới sự khác biệt mà các dòng chip xử lí này mang lại bởi hẳn bạn  muốn là một người tiêu dùng khôn ngoan.
 
Theo Techradar

Cùng nhau tìm hiểu về thế hệ chip xử lý tiếp theo của Intel.

Cùng nhau tìm hiểu về thế hệ chip xử lý tiếp theo của Intel.
Tập đoàn Intel (Integrated Electronics) được thành lập năm 1968 tại Santa Clara, California của Hoa Kỳ. Ngày nay, Intel luôn được coi là "gã khổng lồ" trong lĩnh vực sản xuất vi xử lý cho máy vi tính, bo mạch cùng hàng loạt các linh kiện phục vụ cho máy tính xách tay, thiết bị di động... Kể từ năm 2007, Intel luôn vượt trước đối thủ của mình trong lĩnh vực chip xử lý là AMD với những bước nhảy tick-tock “nhịp nhàng”. Tại IDF 2010 (Hội nghị của các nhà phát triển Intel), lại một lần nữa tiếng "tock" của Intel được vang lên. Đó chính là “Sandy Bridge” - người kế nhiệm kiến trúc Nehalem "nổi đình đám" trong năm 2008. Có thể nói, Sandy Bridge chính là con bài chiến lược của hãng trong năm 2011.
Trong hội nghị IDF 2010, Intel cũng giới thiệu những "bước nhảy" công nghệ tiếp theo của mình đó là đó là Ivy Brigde và Haswell. Cả 2 sẽ lần lượt ra mắt vào trong năm 2011 và 2012. Như vậy dựa trên những gì Intel đã cũng cấp, chúng ta có thể thấy được những bước nhảy tick-tock của hãng này bao gồm:
2007 (Tick): Penryn - 45nm, 4-core, SSE4.
2008 (Tock): Nehalem - 45nm, 4-core, SSE4.2, HT, IMC và QPI.
2009 (Tick): Westmere - 32nm, 6 core, AES-NI, HT, IMC và QPI.
2010 (Tock): Sandy Bridge - 32nm, 4-8-core, AVX, HT, IMC và QPI.
2011 (Tick): Ivy Bridge - 22nm, chưa công bố.
2012 (Tock): Haswell - 22nm, chưa công bố.
Chú ý: Đằng sau tên kiến trúc là tiến trình sản xuất, số nhân trong một CPU và các công nghệ hỗ trợ. Chúng tôi sẽ giải thích ý nghĩa của các ký hiệu này trong các bài viết khác).
Vậy, tick-tock là gì? Tại sao Intel gọi chiến lược nghiên cứu cũng như phát triển các sản phẩm vi xử lý của mình là mô hình phát triển tick-tock. Trong đó một kiến trúc sẽ tồn tại cho 2 thế hệ sản phẩm.Tock: tiến trình sản xuất cũ, kiến trúc mới còn Tick: tiến trình sản xuất mới, kiến trúc cũ. Bởi vậy, có thể thấy Sandy Bridge nằm trong tiến trình Tock. Điều đó có nghĩa rằng đây là một CPU được Intel sử dụng tiến trình sản xuất cũ (cùng 32 nanomet như Westerme) nhưng sẽ có kiến trúc mới.
Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho các bạn cái nhìn tổng quát về Sandy Bridge, thế hệ chíp xử lý mới của Intel theo tiếng việt là “cầu cát". Tại thời điểm cuối năm 2010 này, hầu như tất cả người sử dụng máy vi tính cũng như tín đồ của công nghệ đều mong chờ tiếng "tock" mang tên Sandy Bridge của Intel sẽ nổ vang khi chính thức được bán trên kệ vào năm sau. Cùng với Westmere, đây là kiến trúc đầu tiên của Intel được sản xuất trên tiến trình 32nm cùng với thế hệ 2 của Hi-K+ Metal Gate (Transistor cổng kim loại) mang lại hiệu suất cao và tiêu thụ ít điện năng hơn.
Sandy Bridge: GPU nằm chung với CPU
Nếu như với Nehalem, Intel cho GPU (nhân xử lý đồ họa) với CPU (bộ vi xử lý trung tâm) nằm trên 2 đế trong cùng một gói xử lý thì trong Sandy Bridge cả 2 lại được tích hợp trên cùng một đế với nhau. Với thiết kế này, 2 đơn vị xử lý là CPU và GPU sẽ sử dụng chung bộ nhớ đệm có trên chip. Theo Intel, nó sẽ giúp các CPU  theo kiến trúc Sandy Bridge hoạt động nhanh hơn với tốc độ lớn hơn nhiều so với các thế hệ trước. Intel gọi nó là LLC (Last Level Cache), một loại băng thông được thiết kế với tốc độ lên đến 384GB/s. Đây có lẽ là cải tiến rất quan trọng vì GPU không cần phải kết nối trực tiếp từ bộ nhớ RAM. Qua đó, hệ thống sẽ giảm được độ trễ và tiết kiệm năng lượng hơn.
Không dừng lại ở đó, điều khá may mắn là đồ họa tích hợp trong CPU  Sandy Bridge có sự cải thiện đáng kể so với nhân đồ họa tích hợp trong thế hệ Clarkdale đầu tiên. Điều này được thể hiện qua lượng đơn vị xử lý (execution unit - EU). Sandy Bridge có 2 phiên bản IGp (Integrated Graphics) là 6 và 12 EU, qua đó sẽ giúp người sử dụngchơi được kha khá các game nhẹ và trung bình mà không cần phải mua Card đồ họa rời.
Ngoài ra, Intel còn đầu tư thêm vào năng lực mã hóa/giải mã video trên IGP của mình. Đó chính là Intel Quick Sync Video. Cụ thể, tính năng này sẽ mang lại khả năng chuyển đổi định dạng video cho các thiết bị cầm tay và chia sẻ qua mạng một cách nhanh nhất. Đi cùng là Intel Stereoscopic 3D, Intel Clear Video HD giúp máy tính có khả năng phát video với chất lượng hình ảnh tốt và âm thanh trung thực nhất.
Chipset hỗ trợ Sandy Bridge?
Sandy Bridge sử dụng nền tảng chipset 6 series mang tên mã là Cougar Point. Thế hệ chipset này được trang bị những công nghệ tối ưu như vPro technology, SIPP giúp bảo mật và bảo vệ dữ liệu cùng với chức năng quản lý máy tính từ xa. Khả năng kết nối với các thiết bị ngoại vi cũng tốt hơn nhờ công nghệ Rapid Storage Technology.
Hơn thế nữa, để mở rộng khả năng tính toán số thực của mình, Sandy Bridge sẽ có một tập lệnh mới gọi là "Advanced Vector Extensions" (AVX). Các lệnh này là một dạng cải tiến của SSE. Đường dẫn dữ liệu sẽ được mở rộng từ 128-bit lên 256-bit, giới hạn lệnh hai toán hạng sẽ gia tăng lên thành bốn toán hạng, và các chức năng sắp xếp dữ liệu tiên tiến cũng được bổ sung. Các cải tiến của AVX cho phép CPU sở hữu khả năng tính toán số thực cao hơn gấp đôi so với trước đây.
Cuối cùng đó chính là tính năng Turbo Boost (TB) quen thuộc từ các phiên bản Core i vẫn sẽ xuất hiện. Tuy nhiên, điểm khác biệt nằm ở chỗ đây là phiên bản cải tiến TB 2.0. Cụ thể, TB 2.0 sẽ tự động tăng xung của CPU và GPU riêng tùy theo nhu cầu sử dụng. Mặc dù vậy, đây sẽ là tin buồn cho OverClocker khi có ý định ép xung với các dòng CPU 2011 của Intel.

Nguồn: genk.vn

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates