Core i5 và Core i7 vẫn luôn gây phân vân cho khách hàng khi muốn chọn mua cho mình một chip xử lí ưng ý.
Trước hết, chip xử lí i5 hay i7 đều nhanh và mạnh mẽ giống như cái cách mà các sản phẩm này xuất hiện. Tuy nhiên, bởi sự rắc rối trong cách đặt tên cho hai dòng chip xử lí này mà đôi khi người dùng không hiểu được ý nghĩa thực sự của chúng. Cũng như sự khác biệt về hai rãnh cắm (socket) tương ứng với mỗi chip càng gây ra sự hoang mang cho khách hàng. Vậy loại chip xử lí nào là phù hợp nhất với bạn? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sau đây.
Xét về mặt lý thuyết, Core i5 là dòng chip xử lí tầm trung, còn Core i7 là dòng chip xử lí cao cấp. Nhưng trên thực tế lại có những điểm phức tạp hơn. Core i5 có cả hai model Dual (lõi kép) và Quad (4 lõi) với socket LGA 1156. Trong khi đó, Core i7 chỉ có loại 4 lõi hoặc 6 lõi và có cả socket LGA1 336 bên cạnh LGA 1156.
Nếu bạn đang có ý định nâng cấp dàn máy tính của mình, trước hết bạn cần phải kiểm tra xem socket của hệ thống là loại nào, nếu là LGA 1336 thì bạn chỉ có thể chọn Core i7. Ngược lại, nếu bạn “tậu” hẳn một PC mới thì điều này chỉ phụ thuộc vào chiếc ví của bạn, nhưng hãy chú ý, điều bạn thực sự nhận được khi chọn mua hai loại chip này lại nằm ở 3 chữ số phía sau.
Core i5 có sẵn hai serie là 600 và 700. Trong đó, model 600 là chip xử lí dual - core dựa trên nền tảng Clarkdale và HyperThreading. Cách đặt tên các công nghệ của Intel khá rắc rối, nhưng nói chung, ý nghĩa thực sự là nó là giúp CPU có 4 luồng xử lý cùng lúc.
Hai chữ số cuối cùng của dòng chip xử lí này sẽ cho bạn biết sức mạnh của từng CPU ứng với xung nhịp của nó, ví dụ như với core i5 650 là một chip xử lí lõi kép với tốc độ 3.2 GHz và giá bán khoảng 4,5 triệu đồng, trong khi đó chip Core i5 680 sẽ có tốc độ 3.8 GHz với cái giá là 7,4 triệu đồng.
Serie 700 của Core i5 tương ứng sẽ là chip xử lí lõi tứ, xây dựng trên nền tảng Lynnfield nhưng không có HyperThreading. Bởi vậy Core i5 serie 700 cũng có thể đảm nhiệm 4 công việc cùng lúc, nhưng chúng lại cho hiệu suất cao hơn bởi mỗi công việc này sẽ có các lõi đảm nhiệm riêng (thay vì 2 luông xử lý ảo được tạo thành nhờ HyperThreading). Hiện tại, mới chỉ có 2 model Core i5 750 với tốc độ 2.66 Ghz và Core i5 760 2.8GHz, cả hai chip xử lí này đều có giá khoảng 4,6 triệu đồng.
Điều kỳ lạ là, tại sao chip xử lí serie 700 lại rẻ hơn serie 600? Nếu tìm hiểu kỹ bạn sẽ thấy vấn đề không đơn giản. Serie 600 Core i5 phát triển dựa trên nền tảng Clarkdale với thêm một tính năng phụ, đó là nó được tích hợp sẵn một lõi đồ họa. Điều này cũng có nghĩa rằng bạn không nhất thiết phải mua thêm một card video chuyên dụng mà chỉ cần cung cấp cho nó bo mạch chủ có hỗ trợ tính năng này.
Như vậy, nếu hiệu suất làm việc là mối quan tâm hàng đầu của bạn, hãy chọn Core i5 serie 700 bởi sản phẩm này có khả năng xử lí tốt hơn và giá cả cũng dễ chịu hơn.
Trở lại với Core i7, dòng chip xử lí này có đôi chút phức tạp hơn. Series 800 của model này cơ bản là giống với series 700 của Core i5. Điểm khác là nó có thêm hỗ trợ HyperThreading và xung nhịp cao hơn. Nhưng nó cũng phát triển dựa trên nền tảng Lynnfield và sử dụng socket LGA 1156. Có thể lấy Core i7 870 để minh họa cho khả năng của chip xử lí này. Với giá bán khoảng 7,6 triệu đồng, loại chip nói trên có tốc độ 2.93GHz và có khả năng xử lí 8 luồng – rất ấn tượng.
Tuy nhiên, Core i7 serie 900 mới thực sự là điểm nhấn của hãng sản xuất CPU lớn nhất thế giới. Đây cũng là dòng sản phẩm mà Intel chế tạo với mục đích quảng bá công nghệ của mình. Trước hết, chip xử lí này đòi hỏi socket LGA1336 (thường chỉ được hỗ trợ trên các bo mạch chủ đắt tiền). Thêm vào đó, để đạt hiệu quả xử lí tối ưu, người dùng cũng phải cung cấp cho nó 3 thanh RAM DDR3 cao cấp.
Core i7 có thêm model lõi 6 bên cạnh lõi tứ giống như core i5. Nhưng không rõ ràng như “hậu bối”, các chip Core i7 930, 940, 950 và 960 là lõi tứ, còn Core i7 970 và 980X là lõi 6.
Về khía cạnh giá cả, chip xử lí lõi tứ 930 thực sự xứng đáng với giá tiền 6,9 triệu đồng, nhưng người ta vẫn thường tranh cãi về mức giá khoảng 23 triệu của chip lõi 6. Liệu chúng có xứng tầm hay không, mặc dù chúng thực sự rất, rất nhanh.
Chữ “K”
Cuối cùng, nói về ký tự còn lại của các dòng chip nói trên là “K” hay “X”. Vấn đề này thường chỉ quan trọng với các khách hàng đam mê “ép xung”. Với ký tự “K”, ví dụ như chip xử lí Core i7 875K mới ra mắt sẽ cho phép các “chuyên gia” này điều chỉnh tần số dễ dàng hơn rất nhiều nhờ hệ số nhân đã được mở khóa.
Tóm lại, nếu việc lựa chọn Core i5 hay Core i7 vẫn còn khiến bạn phân vân, hãy chọn loại thiết bị phù hợp với túi tiền của bạn. Nhưng hãy chú ý tới sự khác biệt mà các dòng chip xử lí này mang lại bởi hẳn bạn muốn là một người tiêu dùng khôn ngoan.
Theo Techradar
0 nhận xét:
Đăng nhận xét